Chuyển đến nội dung chính

Bài thuốc chữa ho do táo nhiệt

Ho do táo nhiệt y học cổ truyền gọi đàm nhiệt khái thấu. Nguyên nhân do khí trời táo nhiệt, lại gặp phải người vốn nhiệt tạng, đờm với nhiệt quấn quýt lấy nhau phát sinh bệnh. Bệnh nhân phát sốt rồi sinh ho, đờm nhiều và dính đặc, sắc vàng như mủ, hơi thở gấp; trong người bức bách khó chịu, mạch phù, hoạt, rêu lưỡi vàng và nhờn bẩn...

Ho do nhiệt hay gặp trong bệnh ho gà, viêm phổi, viêm khí quản, áp-xe phổi mủ, tâm phế mạn, hen suyễn...

Dùng bài Tả bạch tán gồm: tang bạch bì 40g, địa cốt bì 40g, sinh cam thảo 20g. Ba vị sấy khô tán bột mịn. Mỗi lần dùng 20g bột cùng với 20g gạo tẻ, 30 lá trúc diệp, đun với 2 bát nước, cạn còn 1 bát, bỏ bã, uống nóng 1 lần. Gia giảm: nếu có sốt gia tri mẫu 12g, hoàng cầm 12g.

Nếu sốt đã giảm, đờm loãng dễ ra; trong người bớt bức bách khó chịu, khát nước, rêu lưỡi vàng nhờn nên dùng bài Thanh phế thang gồm: mạch môn đông 12g, tri mẫu 12g, cam thảo 4g, hoàng cầm 8g, thiên môn đông 12g, bối mẫu 12g, quất hồng 4g, tang bạch bì 12g. Các vị cho vào nồi, đổ 3 bát nước, đun cạn còn 1 bát, bỏ bã, uống 1 lần.

chua hoHo do táo nhiệt (đàm nhiệt khái thấu) hay gặp trong viêm khí quản, viêm phổi, tâm phế mạn, áp-xe phổi.

Nếu người vẫn sốt, đau đầu, ho khan, khí nghịch mà suyễn, ngực đầy tâm phiền, họng khô mũi ráo, lưỡi khô không rêu, mạch hư đại mà sác; hay gặp ở viêm phế quản, giai đoạn phục hồi sau viêm phổi, họng tê mất tiếng;

Dùng bài Thanh táo cứu phế thang: thạch cao 20g, tang diệp 12g, hạnh nhân 12g, a giao 12g, tỳ bà diệp 12g, cam thảo 4g, nhân sâm 12g, hồ ma 12g, mạch môn đông 20g. Đun với 5 bát nước, cạn còn 2 bát, bỏ bã, chia uống 2 lần. Gia giảm: đờm nhiều, thêm bối mẫu 12g, qua lâu 12g; huyết khô gia sinh địa 24g; nhiệt nhiều, thêm thủy ngưu giác 12g, linh dương giác 4g hoặc thêm ngưu hoàng 4g.

Nếu đại tiểu tiện bí và sáp, suyễn thấu mãi không dứt, đờm đặc dính, sắc vàng, đó là nhiệt nhiều.

Dùng bài Nhân sâm tả phế thang: sơn chi 12g, liên kiều 12g, đại hoàng 12g, chỉ xác 4g, nhân sâm 8g, cát cánh 3g, bạc hà (để riêng) 4g, hoàng cầm 12g, cam thảo 4g, hạnh nhân 12g, tang bì 12g. Đun với 3 bát nước, cạn bớt 1 bát, bỏ bạc hà vào, đun cạn 1 bát, bỏ bã, uống làm 1 lần.

Nếu tới thời kỳ nhiệt thịnh làm hại tới phế lạc, mỗi khi ho bật ra máu tươi... Dùng bài Ngọc nữ tiễn hoặc Thái bình thang:

Thái bình thang: thạch cao sống 40g, bạch mao căn 40g, sinh địa 40g, ngẫu tiết thán 40g, đại hoàng thán 12g. Đun với 1 bát đồng tiện và 3 bát nước, cạn còn 2 bát, bỏ bã. Chia uống 2 lần.

Ngọc nữ tiễn: sinh thạch cao 24g, tri mẫu 12g, mạch đông 16g, sinh địa 32g, ngưu tất 12g. Đun với 5 bát nước còn 2 bát, bỏ bã, chia uống 2 lần.

Bài Ngọc nữ tiễn vừa chỉ huyết lại kiêm cả bổ; bài Thái bình thang chuyên chỉ huyết mà không bổ. Nếu trong đờm có huyết hình thể hư thì uống bài Ngọc nữ tiễn, hình thể thực thì uống Thái bình thang.

Lương y Thảo Nguyên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thuốc Đông y điều trị viêm phế quản

Trong thời tiết mùa đông, nhiệt độ trong ngày chênh lệch lớn, nóng lạnh thay đổi đột ngột khiến mọi người, đặc biệt là trẻ em và người già yếu dễ mắc viêm phế quản. Câu hỏi mà nhiều độc giả quan tâm là điều trị bằng YHCT có mang lại hiệu quả với bệnh viêm phế quản hay không khi mà việc lạm dụng kháng sinh tại nước ta đang gia tăng và nhiều cảnh báo nguy cơ kháng thuốc? Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các phương pháp của YHCT trong điều trị viêm phế quản. Bệnh viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm cấp hoặc mạn tính niêm mạc đường thở từ thanh quản trở xuống tới nhu mô phổi. Căn nguyên gây viêm phế quản thường là do virut, vi khuẩn. Đây là bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp thường gặp khi thời tiết chuyển mùa. Theo YHCT, viêm phế quản thuộc phạm vi chứng “khái thấu” và “đàm ẩm”. Theo YHCT, nguyên nhân gây bệnh bên ngoài chủ yếu do cảm thụ phải tà khí của lục dâm như ngoại cảm phong hàn, phong nhiệt. Những yếu tố này làm cho phế khí bị ngưng trệ, mất t...

Bài thuốc chữa bệnh goute

Bệnh goute (gút) là bệnh rối loạn chuyển hóa và tăng lắng đọng các tinh thể acid uric tại các khớp. Theo Y học cổ truyền, bệnh gút gọi là “thống phong”, thuộc chứng tý. Nguyên nhân do phong, hàn và thấp làm ảnh hưởng đến công năng của can, thận và tỳ gây khí trệ huyết ứ và đàm trọc ách trở sinh bệnh. Sau đây là một số thuốc trị bệnh theo các thể: Thể phong thấp nhiệt: người bệnh đau khớp đột ngột, thường vào lúc nửa đêm, có khi phát sốt. Tại chỗ khớp: sưng nóng đỏ đau; lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày, mạch huyền sác. Phép chữa là thanh nhiệt trừ thấp, tiết trọc thông lạc. Dùng bài Thanh trọc thống tý thang: nhẫn đông đằng 30g, hoàng bá 15g, ý dĩ 24g, thổ phục linh 24g, huyền sâm 16g, đương quy 12g, một dược 10g, ngưu tất 12g, phòng kỷ 12g, tần giao 12g, thất diệp 24g. Sắc uống. Gút là bệnh rối loạn chuyển hoá và lắng đọng các tinh thể acid uric ở khớp. Đông y gọi là bệnh thống phong. Thể khí trệ trọc ứ: khớp sưng đau khiến người bệnh không đi lại được, hay tái phát, bệnh kéo dài dai dẳng,...

Ngũ vị và chiêm nghiệm cuộc đời

Người xưa tin rằng, ngũ hành tương sinh tương khắc, chuyển hóa qua lại, là nguồn gốc của sự vận động vũ trụ và bên trong con người. Chính vì thế, nếu dinh dưỡng cân bằng được ngũ vị, sẽ đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, ngũ tạng được bồi bổ, sức khỏe dài lâu. Tác dụng của các vị Đông Y cho rằng, ngũ vị tương ứng với ngũ hành tạng phủ như sau: vị chua thuộc Mộc vào tạng Can, vị cay thuộc Kim vào tạng Phế, vị mặn thuộc Thủy vào tạng Thận, vị ngọt thuộc Thổ vào tạng Tỳ, vị đắng thuộc Hỏa vào tạng Tâm. Chuộng vị nào sẽ bổ cho tạng đó. Để đảm bảo cho các cơ quan được hoạt động tốt, người ta có thể “bổ” chúng bằng các vị. Mỗi cơ quan tương ứng với một vị. Bằng cách áp dụng tương sinh và tương khắc, ta có thể rút ra được: Vị mặn đi vào thận (hành thủy), nhưng mặn quá sẽ hại tim và ruột non (hành hỏa). Vị đắng đi vào tim (hành hỏa), nhưng đắng quá sẽ hại phổi và ruột già (hành kim). Vị cay đi vào phổi (hành kim), nhưng quá cay sẽ hại gan (hành mộc). Vị chua đi vào gan (hành mộc), nhưng chua quá sẽ làm...